Bước sang năm 2023, giới chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư đều kỳ vọng thị trường sẽ được phục hồi nhờ chính sách của Nhà nước tuy nhiên, giai đoạn đầu năm giao dịch vẫn còn hạn chế do tâm lý nhà đầu tư và nhiều yếu tố khách quan khác.
Tâm lý chờ đợi bao trùm thị trường nhà ở
Cuối năm cũ, đầu năm mới thường được xem là “mùa gặt” của thị trường bất động sản (BĐS), đặc biệt là phân khúc nhà ở. Tuy nhiên, khung cảnh trầm lắng được dự báo tiếp tục kéo dài, nhất là khi tâm lý chờ đợi chính sách và phương hướng tháo gỡ thị trường của Chính phủ.
Về giá nhà ở, thị trường ghi nhận giá nhà có giảm nhưng chỉ giảm nhỏ giọt khiến người mua nhà vẫn trong trạng thái mong chờ giá nhà sẽ giảm sâu trong thời gian tới. Đặc biệt là chờ làn sóng cắt lỗ của nhà đầu tư không còn sức gồng lãi ngân hàng hoặc đến đáo hạn trả nợ tín dụng.
Giao dịch trở lại từ giữa năm nay
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam – nhận định, thị trường bất động sản năm nay sẽ còn nhiều áp lực do kinh tế Việt Nam vẫn sẽ chịu các tác động từ yếu tố bên ngoài. Song, cơ hội để thị trường phục hồi vẫn có. Dự kiến, khoảng cuối quý II năm nay, các giao dịch sẽ xuất hiện nhịp nhàng trở lại, nguồn cung ra thị trường nhiều hơn.
Theo ông Đính, thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn này hoàn toàn không lặp lại chu kỳ khủng hoảng giai đoạn năm 2012. Bởi, hiện nay, phát triển đô thị cao, đầu tư hạ tầng diễn ra mạnh, cùng với đó nhu cầu về nhà ở, nhu cầu đầu tư kinh doanh bất động sản lại rất cao.
Triển vọng năm 2023
Trước động thái quyết liệt từ phía Chính phủ, phía Bộ Xây dựng cũng đã xây dựng các nhóm giải pháp điều chỉnh nguồn cung cho thị trường như: Rà soát, xử lý các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đang triển khai và đã giao dự án nhưng chưa triển khai để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội; xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất để sớm đưa các dự án vào triển khai, tăng nguồn cung cho thị trường; lập danh mục các dự án rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo lại chung cư cũ và triển khai hiệu quả đề án: “Đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.
Đồng thời, Bộ Xây dựng đề xuất nhóm giải pháp tín dụng cho thị trường như: Tiếp tục mở rộng room tín dụng cho lĩnh vực BĐS ở mức hợp lý, phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức tín dụng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, trong đó ưu tiên tập trung cho vay các dự án bất động sản sắp hoàn thành, các dự án phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, lao động ở khu công nghiệp và các đối tượng chính sách khác với lãi suất phù hợp và không tính tỷ lệ dư nợ này trong tổng dư nợ cho vay bất động sản bị khống chế; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt cấp tín dụng đối với các dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có khả năng thu hồi vốn cao; mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường công tác thẩm định, giám sát việc sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Vũ Hoàng – Hà Thu