Phòng vệ sinh (Toilet, WC) là không gian càng ngày càng được quan tâm trong nhà ở hiện đại. Phòng vệ sinh có tầm ảnh hưởng quan trọng không những về kiến trúc mà còn tác động lớn đến phong thủy. Cần nắm rõ 11 điều kiêng kị phong thủy phòng vệ sinh dư
1. Kị cửa phòng vệ sinh đối diện cửa chính, cửa phòng ngủ. Khí vào nhà xông thẳng vào phòng vệ sinh, sẽ cuốn khí uế từ phòng vệ sinh ra và lan ra khắp nhà. Trường hợp này cũng tương tự với cửa phòng vệ sinh đối diện cửa phòng ngủ.
Hóa giải: Đổi vị trí mở cửa wc hoặc lắp bản lề cửa đóng tự động, để cửa luôn đóng khi không sử dụng.
2. Kị cửa phòng vệ sinh đối diện bếp. Nếu bố trí như vậy, vi khuẩn dễ xộc thẳng vào thức ăn đang chế biến trên bếp, thật khó có thể ăn ngon miệng. Chưa kể phòng vệ sinh có năng lượng ngũ hành Thủy, sẽ khắc ngũ hành Hỏa của bếp.
Hóa giải: Như cách trên.
3. Kị cửa phòng vệ sinh đối diện cầu thang. Không khí ô nhiễm sẽ đi theo cầu thang, đưa lên các tầng nếu bố trí cửa phòng vệ sinh đối diện cầu thang.
Hóa giải: Như cách trên.
4. Kị cửa phòng vệ sinh đối diện giường ngủ. Chắc chắn không ai muốn hít thở khí uế liên tục 8 tiếng/ ngày, khi gặp cách bố trí này.
Hóa giải: Như cách trên, hoặc đổi vị trí giường.
5. Kị cửa phòng vệ sinh đối diện bàn thờ. Nơi thờ cúng cần sự trang nghiêm, nên điều này là đại kị trong phong thủy.
Hóa giải: Như cách trên, hoặc đổi vị trí bàn thờ.
6. Kị bàn thờ nằm trên phòng vệ sinh. Vì tính chất cần sự sạch sẽ tuyệt đối cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nên nếu phòng thờ ở tầng trên đè lên phòng vệ sinh tầng dưới, cũng được cho là không nên.
Hóa giải: Nên thay đổi vị bàn thờ tránh đặt cùng trục wc bên dưới.
7. Kị phòng vệ sinh nằm trên bàn thờ, giường ngủ, bếp nấu. Hãy thử tưởng tượng, ở trên đầu ta là không gian ô uế, thì ta chẳng thể nào thoải mái được.
Hóa giải: Cần thay đổi vị trí wc hoặc nơi đặt bếp, giường ngủ, bàn thờ, miễn sao không cùng trục thẳng.
8. Kị kê đầu giường, bàn thờ, bếp nấu vào tường phòng vệ sinh. Không những nằm ở trên, phòng vệ sinh đặt kề cạnh các không gian cần sự sạch sẽ, yên tĩnh, cũng là điều nên tránh.
Hóa giải: Cần thay đổi nơi đặt bếp, giường ngủ, bàn thờ hoặc wc.
9. Kị phòng vệ sinh đặt ở trung tâm nhà. Trung tâm nhà được xem là trái tim của ngôi nhà, nên không thể để nơi này bị đè nén bởi các không gian bẩn thỉu.
Hóa giải: Cần thay đổi vị trí wc.
10. Kị phòng vệ sinh đặt dưới gầm thang. Cầu thang là nơi dẫn khí theo trục đứng. Nếu phòng vệ sinh bẩn, đặt dưới gầm thang thì chẳng khác nào ta đang dẫm đạp, mang uế khí lên các tầng.
Hóa giải: Nếu đặt dưới gầm thang mà không đảm bảo thông thoáng được cho wc, thì nên chuyển wc ở vị trí khác.
11. Kị đặt phòng vệ sinh ngay đầu nhà. Trường hợp này rất dễ gặp phải ở căn hộ. Nếu phòng vệ sinh đặt ở đầu nhà, ngay cửa chính, lại bị bẩn thì cả căn nhà đều tràn ngập vi khuẩn.
Hóa giải: Đối với nhà ở, cần di dời ngay vị trí wc. Đối với căn hộ, cần lắp bản lề tự động đóng, để cửa luôn đóng khi không sử dụng.
Kết luận: Chưa cần biết phòng vệ sinh nhà bạn đặt ở đâu, nếu phòng này không sạch sẽ, ẩm ướt, bốc mùi, thì chắc chắn sẽ khiến sức khỏe bạn giảm sút kèm theo tinh thần bực bội, khó chịu. Cuộc sống chúng ta gắn liền với không gian này trung bình 1 ngày khoảng 30 phút, cá biệt có trường hợp vài tiếng. Thời gian này là đủ lâu để gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến người sử dụng, nếu căn phòng này đầy vi khuẩn có hại. Bởi vì phòng vệ sinh bẩn, mới kéo theo nhiều điều cấm kị liệt kê ở trên.
Cách hóa giải triệt để nhất:
Phòng vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng là tiêu chuẩn bắt buộc để có phong thủy tốt. Khi phòng vệ sinh đã là nơi khiến bạn thoải mái mỗi khi vào, thì đó chính là cách hóa giải tốt nhất cho tất cả các điều kiêng kị và bạn hoàn toàn có thể bỏ qua những quan niệm trong bài viết này.
Cần thực hiện tốt những việc sau để phòng vệ sinh mang nhiều cát khí, loại bỏ uế khí:
- Phòng vệ sinh cần được thiết kế tiếp xúc được với ánh sáng tự nhiên để vi khuẩn không có cơ hội phát triển. Trường hợp ở trong phòng kín, cần có máy hút mùi.
- Phải luôn giữ thói quen lau chùi, vệ sinh không gian này hằng ngày.
- Khi thiết kế cần ngăn khu khô, khu ướt tách biệt.
- Nên đặt các chậu cây xanh lọc khí và tinh dầu thơm trong phòng vệ sinh để tạo không khí trong lành, dễ chịu hơn.
Kiến trúc sư Nguyễn Đức Hiếu