Người bán hiện đang phải đưa ra nhiều nhượng bộ hơn với người mua nhà khi thị trường có phần trầm lắng. Tuy nhiên, mức độ nhượng bộ tới đâu lại là câu chuyện riêng của từng chủ nhà.
Theo các chuyên gia bất động sản, mặc dù rất muốn bán nhà, các chủ nhà nên có một danh sách những điều có thể nhượng bộ và những điều không thể đồng ý để giúp giao dịch thành công và hài hòa được lợi ích của cả hai bên.
Những điều có thể nhượng bộ
Sửa chữa và cải tạo
Thị trường bất động sản chậm lại đã thay đổi cách người bán chuẩn bị bất động sản trước khi giao dịch. Họ có thể phải thực hiện những sửa chữa, cải tạo quan trọng để căn nhà có tính cạnh tranh hơn so với các sản phẩm khác trên thị trường. Việc sửa chữa có thể khó khan và tốn kém, tuy nhiên đây là cách người bán có thể làm hài lòng khách hàng, đồng thời tăng sức hấp dẫn của căn nhà.
Nếu không thể thanh toán toàn bộ, chủ nhà có thể hỗ trợ người mua một phần chi phí sửa chữa nhất định để giao dịch được thực hiện thành công.
Giảm giá chào và giá chốt
Khi lãi suất cao và giá nhà hạ trên toàn thị trường, chủ nhà nên điều chỉnh giá niêm yết cho phù hợp. Thậm chí, giá bán có thể thấp hơn so với những cuộc thương lượng được thực hiện ở thời điểm trước. Mức độ điều chỉnh giá nhà sẽ theo quy luật cung – cầu tất yếu của thị trường và mong muốn giao dịch của chủ nhà.
Giảm số tiền tạm ứng và tăng thời gian thanh toán
Chủ nhà có thể yêu cầu khách hàng đặt cọc ban đầu một khoản tiền thấp hơn, hoặc kéo dài thời gian thanh toán toàn bộ giá trị căn nhà. Thông thường, thời gian tối đa từ lúc đặt cọc tới lúc trả hết tiền nhà (với bất động sản thổ cư) kéo dài trong vòng 1 tháng. Ở thời điểm hiện tại, chủ nhà có thể linh hoạt kéo dài hơn để giúp người mua lo đủ tài chính, giúp người mua gom thêm tiền hoặc có thêm thời gian để nghiên cứu các lựa chọn cho vay thay thế.
Với các căn hộ chung cư, chủ đầu tư nên linh hoạt về khoản tiền trả trước, giãn các đợt thanh toán, và hỗ trợ một phần lãi suất để người mua dễ dàng tiếp cận sản phẩm của mình hơn.
Hỗ trợ chi phí hoàn tất giao dịch
Đây là sự hỗ trợ vô cùng hấp dẫn với người mua, nhất là người mua không dư dả tiền mặt, dù trên thực tế số tiền chủ nhà phải bỏ ra không lớn. Nó có thể bao gồm các khoản phí trước bạ (0,5% giá trị giao dịch), phí thẩm định hồ sơ (0,15% giá trị giao dịch), lệ phí công chứng và các loại thuế phí khác (nếu có).
Bằng cách đề nghị trang trải một phần hoặc toàn bộ chi phí nói trên, chủ nhà sẽ giúp căn nhà của họ có giá hợp túi tiền hơn và tăng cơ hội giao dịch thành công.
Cung cấp dịch vụ bảo trì và bảo hành
Dịch vụ bảo trì và bảo hành khá hấp dẫn người mua, giúp họ tránh được việc sửa chữa tốn kém trong trường hợp xảy ra sự cố sau khi mua nhà. Đây cũng là một dấu hiệu thiện chí từ người bán, giúp tạo dựng lòng tin và xoa dịu mọi lo lắng mà những người mua tiềm năng có thể có về căn nhà.
Những điều không nên nhượng bộ
Trả tiền nội thất và trang thiết bị
Chủ nhà không nên đồng ý thanh toán các chi phí hoàn thiện và nâng cấp căn nhà liên quan tới nội thất và trang thiết bị như làm sàn gỗ, sơn tủ, thay thảm… Lý do là vì không có tiêu chuẩn cố định và độ phát sinh của các chi phí này là rất lớn khi mỗi người mua có một tiêu chuẩn và thẩm mỹ khác nhau về đồ đạc và nội thất. Hãy để người mua tự làm các công việc trên sau khi giao dịch hoàn tất với các nhà cung cấp và sản phẩm mà họ lựa chọn.
Cho phép người mua chuyển đến trước khi giao dịch hoàn tất
Đây có thể là một động thái rủi ro và đặt chủ nhà vào vị thế dễ bị tổn thương. Nếu việc giao dịch thất bại hoặc người mua không thanh toán được toàn bộ giá trị căn nhà, thì người bán có thể gặp khó khăn trong việc đuổi người mua và lấy lại nhà.
Giảm giá quá mức
Việc thị trường nhà ở đang suy thoái không có nghĩa là bạn phải chấp nhận bán nhà với một mức quá thấp, trừ trường hợp bạn đang có khó khăn tài chính và cần phải “bán tống bán tháo”. Để tránh bị thua lỗ khi bán nhà, hãy nhờ các đại lý môi giới tư vấn về giá, đồng thời tham khảo giá chào và giá bán các căn nhà có cùng quy mô, chất lượng trong cùng khu vực để đưa ra định giá chính xác nhất.
Lam Vy (YH)