Bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai được hiểu như thế nào? Quyền sử dụng đất đã bảo lãnh theo quy định của Luật Đất đai 2003 thì hiện nay sẽ được xử lý như thế nào? Bên bảo lãnh quyền sử dụng đất thì có được hưởng thù lao không?
Bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai được hiểu như thế nào? Quyền sử dụng đất đã bảo lãnh theo quy định của Luật Đất đai 2003 thì hiện nay sẽ được xử lý như thế nào? Đây là câu hỏi của chị Mỹ Hoa đến từ Long An.
Bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai được hiểu như thế nào?
Hiện tại không có quy định trực tiếp giải thích về bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai mà có thể hiểu thông qua Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Bảo lãnh
1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Tuy nhiên, trước đây tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 84/2007/NĐ-CP (hiện nay đã hết hiệu lực) có giải thích việc bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai được hiểu là thế chấp bằng quyền sử dụng đất cho người thứ ba vay vốn theo quy định của Bộ luật Dân sự (sau đây gọi chung là thế chấp bằng quyền sử dụng đất).
Việc thế chấp tài sản theo Bộ luật Dân sự 2015 được quy định tại Điều 317 như sau:
Thế chấp tài sản
1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
Quyền sử dụng đất đã bảo lãnh theo quy định của Luật Đất đai 2003 thì hiện nay sẽ được xử lý như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 81 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, được bổ sung bởi khoản 53 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định như sau:
Trình tự, thủ tục đăng ký, xóa đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất và xử lý quyền sử dụng đất đã thế chấp, để thu hồi nợ
...
2. Việc xử lý quyền sử dụng đất đã bảo lãnh theo quy định của Luật đất đai năm 2003, đã thế chấp để thu hồi nợ được quy định như sau:
a) Quyền sử dụng đất đã thế chấp, đã bảo lãnh được xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp, hợp đồng bảo lãnh. Trường hợp không xử lý được theo thỏa thuận thì bên nhận thế chấp, bên nhận bảo lãnh có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được thế chấp, đã được bảo lãnh cho người khác để thu hồi nợ hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bán đấu giá quyền sử dụng đất mà không cần có sự đồng ý của bên thế chấp, bên bảo lãnh hoặc khởi kiện tại Toà án nhân dân theo quy định của pháp luật;
b) Người nhận quyền sử dụng đất quy định tại điểm a khoản này được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; được sử dụng đất theo mục đích đã xác định và có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai trong thời hạn sử dụng đất còn lại; đối với đất ở thì người sử dụng đất được sử dụng ổn định lâu dài.
c) Trường hợp tổ chức được phép mua bán nợ theo quy định của pháp luật mua khoản nợ là quyền sử dụng đất đã thế chấp, quyền sử dụng đất đã bảo lãnh theo quy định của Luật đất đai năm 2003 của bên nhận thế chấp, bên nhận bảo lãnh thì tổ chức đó được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp, bên nhận bảo lãnh đã giao kết trong hợp đồng thế chấp, hợp đồng bảo lãnh. Tổ chức mua bán nợ được quyền xử lý quyền sử dụng đất đã thế chấp, đã bảo lãnh theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp, hợp đồng bảo lãnh đã ký.
Trường hợp không xử lý được theo thỏa thuận thì tổ chức mua bán nợ của Nhà nước thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; tổ chức mua bán nợ không phải của Nhà nước được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được thế chấp, đã được bảo lãnh cho người khác hoặc đề nghị tổ chức bán đấu giá thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất mà không cần có sự đồng ý của bên thế chấp, bên bảo lãnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật.
...
Như vậy, quyền sử dụng đất đã bảo lãnh theo quy định của Luật Đất đai 2003 thì hiện nay sẽ được xử lý như sau:
- Trước tiên, quyền sử dụng đất đã bảo lãnh được xử lý theo thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng bảo lãnh.
Trường hợp không xử lý được theo thỏa thuận thì bên nhận bảo lãnh có quyền hoặc:
+ Chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được bảo lãnh cho người khác để thu hồi nợ hoặc
+ Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bán đấu giá quyền sử dụng đất mà không cần có sự đồng ý của bên bảo lãnh hoặc
+ Khởi kiện tại Toà án nhân dân.
- Trường hợp tổ chức được phép mua bán nợ mua khoản nợ là quyền sử dụng đất đã bảo lãnh theo quy định của Luật Đất đai 2003 của bên nhận bảo lãnh thì tổ chức đó được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh đã giao kết trong hợp đồng bảo lãnh.
Tổ chức mua bán nợ được quyền xử lý quyền sử dụng đất đã bảo lãnh theo thỏa thuận trong hợp đồng đã ký.
Trường hợp không xử lý được theo thỏa thuận thì:
+ Tổ chức mua bán nợ của Nhà nước thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
+ Tổ chức mua bán nợ không phải của Nhà nước được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được bảo lãnh cho người khác hoặc đề nghị tổ chức bán đấu giá thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất mà không cần có sự đồng ý của bên bảo lãnh;
+ Khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật.
Bên bảo lãnh quyền sử dụng đất thì có được hưởng thù lao không?
Căn cứ theo Điều 337 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Thù lao
Bên bảo lãnh được hưởng thù lao nếu bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh có thỏa thuận.
Theo đó, bên bảo lãnh quyền sử dụng đất có thể được hưởng thù lao nếu bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh có thỏa thuận.
Nguyễn Nhật Vy