Không đơn thuần là nơi tạo ra những món ăn ngon, nuôi dưỡng về mặt vật chất cho các thành viên trong gia đình, bếp còn là nơi chăm sóc tinh thần, lưu giữ những khoảnh khắc yêu thương mỗi ngày. Vì lí do đó, phong thủy phòng bếp luôn được chú trọng. Cù
Kị bếp không kín đáo, nhìn thẳng ra cửa chính.
Theo quan niệm, bếp nhìn thẳng ra cửa chính dễ gây thất thoát về tài lộc.
Hóa giải: ngăn bếp bằng vách trang trí, quầy bar,…để bếp không quá trống trải. Không nhất thiết phải ngăn bếp thật riêng tư bằng tường kín, dễ gây chật chội, bí bức, không hiện đại và thiếu đi sự kết nối không gian.
Kị bếp đối diện cửa phòng vệ sinh.
Phòng vệ sinh thường được cho là nơi ô uế, khi cửa vệ sinh đối diện miệng bếp, không khí ô nhiễm từ phòng vệ sinh sẽ tràn ra ngoài, ảnh hưởng đến nơi nấu nướng.
Hóa giải: di chuyển vị trí bếp hoặc cửa phòng vệ sinh. Trường hợp không di chuyển được, cần giữ phòng vệ sinh thật sạch sẽ. Có thể lắp tay co thủy lực, hoặc bản lề đóng cửa tự động để cửa phòng vệ sinh luôn đóng khi không sử dụng.
Kị bếp đối diện cửa phòng ngủ.
Năng lượng hỏa khí vào phòng ngủ gây ra sự ngột ngạt, không thoải mái.
Hóa giải: chỉ cần đóng cửa phòng ngủ thường xuyên.
Kị bếp dựa vào tường, phía sau có giường kê sát.
Dù ngăn cách nhau bằng bức tường, nhưng khi bếp tựa vào tường, hỏa khí sẽ truyền vào tường rồi truyền đến giường ngủ. Giấc ngủ sẽ khó yên, người nằm dễ khó chịu, nóng nảy.
Hóa giải: nếu không thay đổi được vị trí bếp hoặc giường, thì xây tường cách nhiệt ở giữa, hoặc trang trí tường ở giữa màu vàng, nâu, để hỏa khí sinh ra thổ, yếu lực đi.
Kị bếp đặt trên, dưới, bên cạnh, đối diện các yếu tố liên quan đến nước.
Bếp đặt quá gần bồn rửa, tủ lạnh (khoảng cách dưới 60 cm). Bếp đặt sát tường phòng vệ sinh. Bếp đối diện bồn rửa, tủ lạnh. Bếp nằm trên hố ga, hầm phân, đường cấp thoát nước. Bếp đặt dưới bồn nước lạnh trên mái, dưới phòng vệ sinh tầng trên. Hoặc trong bếp có màu đen, xanh da trời chủ đạo. Tất cả các trường hợp trên đều mắc lỗi “Thủy khắc Hỏa”.
Hóa giải: trường hợp không thay đổi được vị trí, có thể sử dụng nguyên lí: “Tham Sinh Kị Khắc”, tức ở giữa bếp và vật thể chứa ngũ hành Thủy, đặt ngũ hành Mộc, có thể là cây xanh, vật liệu bằng gỗ, màu xanh lá cây,…để Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, như vậy Thủy không còn khắc Hỏa nữa.
Kị bếp đặt dưới xà ngang (dầm, đà).
Xà ngang trên bếp sẽ tạo áp lực lớn, đè nén xuống bếp.
Hóa giải: đóng trần thạch cao che xà ngang hoặc dùng vật phẩm phong thủy: hồ lô hóa sát, đồng tiền hoa mai, treo trên xà ngang.
Kị góc nhọn chĩa vào bếp.
Có thể là góc nhọn cạnh tường, đồ dùng nội thất. Điều này tạo ra sát khí, dễ gây ra các tổn thương.
Hóa giải: vạt bỏ góc nhọn hoặc di chuyển bếp.
Kị bếp không có điểm tựa.
Khi phía sau bếp là khoảng trống thì tài lộc khó tụ được.
Hóa giải: Nên kê bếp vào tường. Trường hợp đặt bếp ở bàn đảo như xu hướng kiến trúc hiện đại, thì nên tựa bàn đảo vào quầy bar cao hơn, hoặc dùng máy hút mùi âm bàn, để máy hút mùi đóng vai trò như tấm che chắn bếp kín đáo hơn khi nấu.
Kị sau bếp có cửa sổ.
Tương tự khi bếp không có điểm tựa, cửa sổ phía sau bếp cũng làm bếp khó tụ khí, dễ thất thoát tài vận. Hóa giải: dời bếp hoặc cửa sổ lệch nhau.
Lưu ý không bỏ cửa sổ để đảm bảo căn bếp luôn thoáng đãng, có ánh sáng tự nhiên.
Kị bếp đặt ngay trung tâm nhà.
Tâm nhà trong phong thủy gọi là trung cung, nơi này cần trường khí ổn định. Bếp đặt ở trung cung sẽ gây xáo trộn dòng khí, chưa kể khi nấu nướng, mùi dễ bay khắp nhà.
Hóa giải: tốt nhất là nên dời bếp sang nơi khác.
Kị cầu thang xông thẳng bếp.
Cầu thang là nơi dẫn khí đi khắp các tầng. Bếp đối diện hướng lên xuống cầu thang, sẽ dễ đem năng lượng hỏa khí và mùi thức ăn đi khắp nơi, không tốt cho người ở trong nhà.
Hóa giải: thay đổi vị trí bếp hoặc hướng tiếp cận cầu thang.
Kị bếp nấu đặt dưới gầm thang.
Bếp là nơi cần sạch sẽ, khi đặt dưới gầm thang, ngoài việc chiều cao sử dụng bị thấp, còn khiến người nấu mang tâm lí e ngại khi phía trên có người đi lại thường xuyên.
Hóa giải: thay đổi vị trí bếp.
Lưu ý: tất cả các quan điểm trên đều đang nói đến cái chung nhất, chứ chưa đề cập chi tiết vào từng trường hợp. Tùy thuộc vào không gian, khoảng cách, tính chất từng sự vật, mới có thể kết luận những điều cấm kị trên có đúng không. Ngoài ra, khi hóa giải cũng cần cân đối cách làm, sao cho hài hòa về công năng, thẩm mỹ ngôi nhà.
Kiến trúc sư Nguyễn Đức Hiếu