Để phục vụ cho chăm sóc, trông nom cây trồng lâu năm, nhiều cá nhân, hộ gia đình dựng nhà tạm. Vậy, đất trồng cây lâu năm có được xây nhà tạm không?
1. Nhà tạm là gì?
Điều 131 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung 2020), công trình xây dựng tạm là công trình được xây dựng có thời hạn phục vụ các mục đích:
- Thi công xây dựng công trình chính;
- Sử dụng cho việc tổ chức các sự kiện hoặc hoạt động khác (phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận về địa điểm, quy mô xây dựng công trình và thời gian tồn tại của công trình tạm).
Theo đó, các công trình xây dựng tạm được xây dựng trên đất thổ cư (đất ở) thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, đây là loại đất được sử dụng vào mục đích xây nhà ở, xây dựng công trình đời sống thuộc khu dân cư đô thị.
2. Đất trồng cây lâu năm là gì?
Đất trồng cây lâu năm thuộc nhóm đất nông nghiệp, sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm, cụ thể:
- Cây công nghiệp lâu năm gồm: Cây cao su, chè, ca cao, điều, cà phê, hồ tiêu, dừa,…
- Cây ăn quả lâu năm gồm: Cây bưởi, cam, chôm chôm, mận, mơ, măng cụt, sầu riêng, xoài, vải, nhãn,…
- Cây dược liệu lâu năm gồm: Long não, sâm, hồi, quế, đỗ trọng…
- Các loại cây lâu năm khác gồm: Keo, xà cừ, hoa sữa, cây xoan, bạch đàn, bụt mọc, lộc vừng…
3. Có được xây nhà tạm trên đất trồng cây lâu năm không?
Như đã trình bày ở trên, nhà tạm được xây dựng trên đất phi nông nghiệp (đất thổ cư), trong khi đó đất trồng cây lâu năm thuộc đất nông nghiệp và được sử dụng để trồng các loại cây nêu trên. Do đó, việc xây dựng nhà tạm trên đất trồng cây lâu năm không được pháp luật cho phép.
Theo đó, người dân muốn xây nhà tạm phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất cây lâu năm sang đất thổ cư. Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013, chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm sang đất thổ cư phải được Ủy ban nhân cấp huyện/tỉnh cho phép.
Trong đó, Ủy ban nhân dân cấp huyện/tỉnh ra quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất dựa trên các căn cứ sau:
- Kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép và phê duyệt;
- Nhu cầu sử dụng đất được thể hiện trong đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất.
Xem chi tiết: Hồ sơ, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất mới nhất 2023
4. Tự ý xây nhà tạm trên đất trồng cây lâu năm bị xử lý thế nào?
Theo khoản 2, 3 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, trường hợp chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
Diện tích đất vi phạm (héc ta) | Mức phạt (triệu đồng) |
Dưới 0,02 | 03 - 05 |
Từ 0,02 đến dưới 0,05 | 05 - 08 |
Từ 0,05 đến dưới 0,1 | 08 - 15 |
Từ 0,1 đến dưới 0,5 | 15 - 30 |
Từ 0,5 đến dưới 01 | 30 - 50 |
Từ 01 đến dưới 03 | 50 - 100 |
Từ 03 hecsta trở lên | 100 - 200 |
Trường hợp chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì hình thức và mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt nêu trên.
Ngoài ra, hộ gia đình, cá nhân vi phạm còn buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Linh Trang - Luật sư Nguyễn Đức Hùng