Đất ao thường có ở các vùng nông thôn hoặc ngoại thành. Nhiều người thắc mắc rằng vậy người sử dụng đất ao có tách thửa được không?
1. Đất ao là gì?
Hiện Luật Đất đai 2013 không có quy định thế nào là đất ao, tuy nhiên có thể hiểu đất ao là khu đất trũng được hình thành do tự nhiên hoặc nhân tạo, có nước đọng lại tạo thành ao. Đất ao có thể gắn liền với thửa đất ở/đang có nhà trên đất hoặc đứng riêng biệt.
Theo Điều 103 Luật Đất đai 2013, đất ao của hộ gia đình, cá nhân được xác định là đất ở phải trong cùng một thửa đất đang có nhà ở. Theo đó, đất ao sẽ mang đặc diểm dưới đây:
- Nằm cùng thửa đất đã có nhà ở và sử dụng với mục đích nuôi trồng thủy hải sản;
- Thường có nguồn gốc từ đất khai hoang hoặc được Nhà nước giao cùng với đất ở hoặc được nhận tặng cho, thừa kế…
2. Đất ao có được tách thửa không?
Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác không quy định cụ thể đất ao có được tách thửa hay không mà chỉ quy định về điều kiện tách thửa đất nói chung. Do đó, người sử dụng đất được phép tách thửa đất ao nếu đáp ứng các điều kiện được nêu tại Điều 188 Luật Đất đai 2013 dưới đây:
- Thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận;
- Thửa đất không bị tranh chấp;
- Thửa đất đang trong thời hạn sử dụng:
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án;
- Thửa đất ao đáp ứng các điều kiện để được tách thửa theo Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất gồm: Điều kiện về diện tích và kích thước tối thiểu được tách thửa; Điều kiện về tính phù hợp với quy hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện…
Theo đó, mỗi địa phương khác nhau sẽ quy định về diện tích tách thửa tối thiểu khác nhau. Để biết địa phương mình quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa là bao nhiêu, bạn đọc có thể tham khảo bài viết: Diện tích tối thiểu được tách thửa 63 tỉnh thành
Ví dụ, tại thành phố Hồ Chí Minh, việc chia tách thửa đất ao (đất nông nghiệp) được thực hiện theo Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND.
Trong đó, khoản 2 Điều 5 của Quyết định 60/2017/QĐ-UBND quy định việc tách thửa đối với đất nông nghiệp như sau:
2. Tách thửa đất nông nghiệp:
a) Trường hợp thửa đất thuộc khu vực quy hoạch, để sản xuất nông nghiệp: được phép tách thửa, thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 500m2 đối với đất trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp khác và 1.000m2 đối với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối.
b) Trường hợp thửa đất thuộc khu vực không phù hợp quy hoạch để sản xuất nông nghiệp và thuộc khu vực phải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và công bố thì không được tách thửa. Trường hợp thửa đất thuộc khu vực không phù hợp quy hoạch để sản xuất nông nghiệp và không thuộc khu vực phải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và công bố, thì người sử dụng đất được thực hiện các quyền theo quy định tại Điều 49, Luật Đất đai.
Như vậy, diện tích tách thửa tổi thiểu của đất ao tại thành phố Hồ Chí Minh phải đảm bảo từ 500 m2 trở lên.
3. Thủ tục tách thửa đất ao thế nào?
Trường hợp đất ao đủ điều kiện tách thửa thì thủ tục tách thửa được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Gồm:
- Giấy chứng nhận (bản chính);
- Đơn đề nghị tách thửa đất theo mẫu;
- Giấy tờ tùy thân Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân.
- Giấy tờ khác theo yêu cầu.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân xã (nếu có nhu cầu) hoặc bộ phận tiếp nhận của chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai;
Trường hợp địa phương đã có bộ phận một cửa cấp huyện thì nộp tại đây.
Bước 3: Xử lý hồ sơ
Cơ quan chuyên môn về đất đai cấp huyện sẽ thực hiện các công việc:
- Đo đạc địa chính để tách thửa đất;
- Lập hồ sơ trình cơ quan chuyên môn xác minh điều kiện tách thửa.
- Trường hợp đủ điều kiện tách thửa: Trả giấy chứng nhận bản chính và kèm theo văn bản xác nhận đảm bảo đủ điều kiện tách thửa cho người yêu cầu.
- Trường hợp không đủ điều kiện tách thửa đất: Người sử dụng đất nhận lại Giấy chứng nhận và thông báo không đủ điều kiện tách thửa.
Bước 4: Sang tên quyền sử dụng đất
Linh Trang - Luật sư Nguyễn Đức Hùng