Đất nông nghiệp sử dụng sai mục đích bị xử lý như thế nào? là nội dung được LuatVietnam làm rõ trong bài viết dưới đây.
1. Thế nào là đất nông nghiệp sử dụng sai mục đích?
Khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013 quy định đất nông nghiệp gồm các loại đất sau:
- Đất trồng cây hàng năm: Gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác.
- Đất trồng cây lâu năm.
- Đất rừng: Gồm đất sản xuất; Đất rừng phòng hộ; Đất rừng đặc dụng.
- Đất nuôi trồng thủy sản; Đất làm muối.
- Đất nông nghiệp: Xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập…
Như vậy, đất nông nghiệp được sử dụng vào mục đích trồng trọt, chăn nuôi và các hoạt động khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Trường hợp sử dụng đất nông nghiệp ngoài những mục đích nêu trên không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thì được xác định là sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích (ví dụ: sử dụng đất nông nghiệp để xây nhà tạm, nhà ở,…)
Ngoài ra, ở phạm vi hẹp hơn, sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích còn được hiểu là sử dụng đất các loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp vào mục đích khác không được pháp luật cho phép. Ví dụ như:
- Sử dụng đất trồng lúa vào mục đích trồng cây lâu năm;
- Sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích trồng cây hàng năm…
2. Sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích xử lý thế nào?
Điều 6 Luật Đất đai 2013 quy định về nguyên tắc sử dụng đất như sau:
"Điều 6. Nguyên tắc sử dụng đất
1. Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.
2. Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.
3. Người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan."
Như vậy, trường hợp sử dụng đất sai mục đích được xác định là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt.
Mức xử phạt với hành vi sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích được quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 04/2022/NĐ-CP. Cụ thể:
- Đối với hành vi sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (căn cứ Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP):
Diện tích đất chuyển mục đích trái phép | Mức phạt (triệu đồng) |
Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng | |
Dưới 0,5 héc ta | 02 - 05 |
Từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta | 05 - 10 |
Từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta | 10 – 20 |
Từ 03 héc ta trở lên | 20 - 50 |
Chuyển đất trồng lúa sang đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối | |
Dưới 0,1 héc ta | 03 - 05 |
Từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta | 05 - 10 |
Từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta | 10 - 20 |
Từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta | 20 - 30 |
Từ 03 héc ta trở lên | 30 - 70 |
Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp | |
Dưới 0,01 héc ta | 03 - 05 |
Từ 0,01 héc ta đến dưới 0,02 héc ta | 05 - 10 |
Từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta | 10 - 15 |
Từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta | 15 - 30 |
Từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta | 30 - 50 |
Từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta | 50 - 80 |
Từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta | 80 – 120 |
Từ 03 héc ta trở lên | 120 – 250 |
- Đối với hành vi sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP):
Diện tích đất chuyển mục đích trái phép | Mức phạt (triệu đồng) |
Chuyển đất là rừng trồng sang mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp | |
Dưới 0,5 héc ta | 03 - 05 |
Từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta | 05 - 10 |
Từ 01 héc ta đến dưới 05 héc ta | 10 – 20 |
Từ 05 héc ta trở lên | 20 - 50 |
Chuyển đất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp | |
Dưới 0,02 héc ta | 03 - 05 |
Từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta | 05 - 10 |
Từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta | 10 - 15 |
Từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta | 15 - 30 |
Từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta | 30 - 50 |
Từ 01 héc ta đến dưới 05 héc ta | 50 - 100 |
Từ 05 héc ta trở lên | 100 - 250 |
- Sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP):
Diện tích đất chuyển mục đích trái phép | Mức phạt (triệu đồng) |
Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm | |
Dưới 0,5 héc ta | 02 - 05 |
Từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta | 05 - 10 |
Từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta | 10 – 20 |
Từ 03 héc ta trở lên | 20 - 50 |
Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp | |
Dưới 0,02 héc ta | 03 - 05 |
Từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta | 05 - 08 |
Từ 0,05 héc ta đến dưới 01 héc ta | 08 - 15 |
Từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta | 15 - 30 |
Từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta | 30 - 50 |
Từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta | 50 - 100 |
Từ 03 héc ta trở lên | 100 - 200 |
* Lưu ý:
- Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, mức phạt đối với tổ chức vi phạm bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân có cùng hành vi.
- Mức phạt trên áp dụng đối với khu vực nông thôn, tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt.
Linh TrangLuật sư Nguyễn Đức Hùng