Hiện nay, Việt kiều có nhu cầu mua nhà ở Việt Nam ngày càng tăng. Và câu hỏi được rất nhiều người quan tâm là, Việt kiều có được mua nhà ở Việt Nam không? Pháp luật quy định cụ thể vấn đề này thế nào?
Việt kiều có được mua nhà ở Việt Nam không?
Việt kiều là công dân Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài hay còn gọi là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo quy định tại Luật Nhà ở hiện đang áp dụng, Việt kiều khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sẽ được mua nhà ở tại Việt Nam.
Cụ thể, điều kiện để Việt kiều được công nhận quyền sở hữu nhà ở nêu tại Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014 gồm:
- Phải thuộc diện được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, các giấy tờ Việt kiều được sử dụng khi muốn mua nhà ở tại Việt Nam gồm:
- Nếu có hộ chiếu Việt Nam thì phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh vào hộ chiếu của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam.
- Nếu có hộ chiếu nước ngoài thì cũng phải còn giá trị, có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh vào hộ chiếu của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam và kèm theo các giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc xác nhận người gốc Việt Nam hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Thông qua việc mua, thuê mua nhà ở thương mại của công ty kinh doanh bất động sản; mua hoặc nhận tặng cho, thừa kế, đổi nhà ở của cá nhân, hộ gia đình; mua quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự xây nhà ở.
Đồng thời, khoản 1 Điều 186 Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định, Việt kiều nếu thuộc đối tượng có quyền sở hữu nhà ở thì được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Như vậy, nếu đáp ứng điều kiện mua bán nhà ở tại Việt Nam thì Việt kiều sẽ được mua nhà ở và được công nhận quyền sở hữu nhà ở khi mua bán nhà ở tại Việt Nam.
Việt kiều được đứng tên Sổ đỏ, Sổ hồng không?
Khoản 2 Điều 186 và khoản 1 Điều 166 Luật Đất đai năm 2015 quy định, nếu thuộc trường hợp Việt kiều được sở hữu nhà ở gắn liền với đất ở tại Việt Nam thì có quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (thường được gọi là sổ đỏ, sổ hồng).
Do đó, nếu đáp ứng các điều kiện để được sở hữu nhà ở thì Việt kiều hoàn toàn được tự mình đứng tên trên sổ đỏ, sổ hồng. Khi đó, việc ghi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở là Việt kiều sẽ được thực hiện tại trang 1 của sổ đỏ, sổ hồng theo điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT.
Cụ thể, việc ghi thông tin Việt kiều trên sổ đỏ, sổ hồng sẽ được gồm các nội dung sau đây:
- Tên gọi “ông” hoặc “bà” theo giới tính của cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Việt kiều) sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
- Thông tin về nhân thân của Việt kiều gồm: Họ và tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tuỳ thân (nếu là hộ chiếu thì ghi số hộ chiếu, nơi cấp hộ chiếu và năm cấp hộ chiếu); địa chỉ thường trú của người đó tại Việt Nam (nếu có).
Như vậy, cũng giống như cá nhân là người Việt Nam cư trú (đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú) ở trong nước, Việt kiều nếu đủ điều kiện để sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì cũng được ghi thông tin của mình trên sổ đỏ, sổ hồng theo quy định.
Nguyễn Hương - Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng